Keep calm & see to-do-list

Tuần này, mình phải đau lòng nói lời từ chối – với quá nhiều sự nhờ vả nhỏ nhỏ – mà đều quan trọng với những người xung quanh mình, có những người rất thân, có học sinh cũ, có cả những người mình từng chịu ơn.

Biết làm sao được, chính mình cũng đang vật lộn với việc cân bằng giữa duy trì đi bộ 4-5km mỗi ngày và giải quyết các deadlines học hành ở trường, nghiên cứu nhóm, lại thêm đôi ba thủ tục nhận tiền từ quỹ bảo hiểm… đến mức có những ngày chẳng kịp nghỉ ngơi, đầu cũng không tải nổi những lời động viên nữa =))

Nhưng, biết đâu được khi không có sự trợ giúp của mình, những người cần giúp đỡ lại tự trưởng thành hơn thì sao nhỉ ˆˆ

P/S: Giờ đỡ căng hơn xíu rồi, nhưng mai lại căng với một đống task =))

Những cái ôm

Ngày đầu quay lại học, bạn thân chạy ra ôm.

Có em thì nhất định đòi đưa mình về.

Lúc biết lý do mình mổ – lúc nghe câu chuyện phát ra sự đau đớn, các chị các bạn các em lại thương thêm.

Thật lâu lắm rồi, mình mới cảm nhận được niềm hạnh phúc được làm một người yếu – và vẫn được yêu thương thật nhiều.

Sắc thái tình cảm của ngôn ngữ

Mình vẫn tự hỏi, ngoài sự chuẩn bị cho cái chết, điều gì khiến mình mạnh mẽ và an nhiên trải qua sự việc vừa rồi đến thế? Phải chăng là do mình đã nghe bác sĩ nói bằng thứ tiếng không phải tiếng mẹ đẻ – nên mình cảm nhận sự trung lập & khác quan nhiều hơn là những nỗi đau & sự ám ảnh?

Nhưng tới hôm qua, một người bạn Ả Rập nhắn tin hỏi thăm và có dùng 1 từ là “phẫu thuật phá thai” khiến mình cảm thấy đau và ngay lập tức trả lời phủ nhận điều đó và bảo đó là phẫu thuật nội soi cắt bỏ một bên vòi trứng… (bằng ngôn từ, mình chỉ phủ nhận tên & nội dung, vị trí phẫu thuật nhưng trong lòng, có lẽ mình phủ nhận nhiều hơn thế.

Thì ra, trước đó mình không đau là do cách sử dụng từ của bác sĩ. Ví dụ như:

Vậy em bé thì sao?

Bạn không thể duy trì được em bé. Vốn dĩ, vì nằm ở ngoài tử cung, em bé đã không phát triển bình thường…

Một lần nữa, thấy biết ơn bác sĩ của mình, vì đã luôn cố gắng, để mình không thấy đau – bằng tất cả mọi cách.